LÀNG NGHỀ CHẠM BẠC ĐỒNG XÂM

Cách TP.Thái Bình chừng 20 km về phía đông, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm luôn mang một âm thanh đặc trưng của tiếng chạm khắc. Kết quả của những âm thanh đó là bao nhiêu sản phẩm hoa văn tinh xảo được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nơi này.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trước đây làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm có tên là Ðường Thâm, là ngôi làng nằm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang. Hình thành vào cuối thời nhà Trần đầu thời nhà Hồ (hơn 600 năm trước). Ngày nay, làng nghề Đồng Xâm trực thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Theo như những câu chuyện được truyền tụng tại đây thì nghề chạm bạc Đồng Xâm đã có từ thế kỷ XV. Dân gian tương truyền rằng khi xưa có một người đàn ông từ Châu Bảo Lạc (Cao Bằng ngày nay) đi thuyền nan xuôi dòng Đồng Giang và dừng bên bờ Trà Lý rồi truyền nghề chạm kim khí cho dân làng ở đây. Còn theo văn bia được lưu giữ tại đền thờ tổ của nghề chạm bạc thì vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu, cũng chính là người đã đến đây truyền nghề dạy cho người dân. Đồng thời lập thành phường Phúc Lộc, theo mô hình một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ với 149 người thuộc dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ…

 Duy chỉ có một điểm khác biệt ở Đồng Xâm so với các làng quê khác đó là khi đến làng, bạn sẽ nghe thấy âm thanh đục, đẽo, chạm khắc văng vẳng khắp nơi. Đó là âm thanh quen thuộc của nghề chạm bạc. Trẻ em Đồng Xâm biết cầm búa gò bạc trước khi biết chữ. Do đó, hầu như thanh niên trong làng ai cũng thành thạo những kỹ năng của nghề chạm bạc.

Những ngày đầu mới hình thành, làng chủ yếu làm hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khóa, làm quai và vòi ấm tích… Sau một thời gian, nhờ sự cần cù chịu khó học hỏi và sáng tạo, dân làng đã phát triển thêm nghề làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc. Vào thời kỳ hưng thịnh nhất, các nghệ nhân của làng đã được mời vào Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Và cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay. Do vậy hiện nay những sản phẩm của nghệ nhân phố Hàng Bạc vẫn còn phảng phất hình ảnh chạm bạc Đồng Xâm.

Theo các nghệ nhân trong làng thì nghề chạm bạc chia ra 3 phương thức chế tác chính đó là chạm, đậu và trơn. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm chuyên về chạm, đây là phương thức phức tạp bởi nó đòi hỏi sự tập trung cao, chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ làm hỏng toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, để có được những sản phẩm tinh xảo trong từng đường nét, hoa văn thì đòi hỏi các nghệ nhân phải đạt tới trình độ điêu luyện.

Hiện nay, dù có máy móc hiện đại đỡ được phần nào nhưng nghề chạm bạc ở làng Đồng Xâm vẫn có những công đoạn nhất định phải do con người thực hiện. Bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật và đôi mắt thẩm mỹ, đặc biệt là những bí quyết riêng chỉ người làng Đồng Xâm mới làm được. Nhờ cầu kỳ như vậy nên những người thợ Đồng Xâm đã tạo ra các sản phẩm chạm bạc chất lượng khiến thương hiệu của làng nổi tiếng khắp nơi.

Sản phẩm thế mạnh của Đồng Xâm xoay quanh chất liệu đồng, tập trung vào phân khúc đồ thờ cúng (đỉnh, vạc, lư hương, các con vật thiêng trong tứ linh), đồ trang sức như dây chuyền, hoa tai, nhẫn, châm, vòng… và hàng mỹ nghệ được sản xuất hàng loạt theo công nghệ dập khuôn trước, thợ thủ công chạm trổ sau.

Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với các nơi khác ở kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện, tinh tế và hoàn hảo tới mức tối đa. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Ðồng Xâm có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng. Nhờ vậy, sản phẩm Đồng Xâm không chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khó tính mà cả những người am tường nghệ thuật.

Hàng mỹ nghệ ở Đồng Xâm tạo sự thích thú cho du khách. Không chỉ đơn thuần làm bằng bạc hay đồng, nhiều món đồ mỹ nghệ như lược, đũa, cốc, chén… còn kết hợp với các chất liệu khác như gốm, sứ, thủy tinh và chỉ sử dụng đồng, bạc như họa tiết trang trí, tạo điểm nhấn cho sản phẩm.

Các sản phẩm của làng nghề chạm bạc đồng xâm

Hàng năm, lễ hội đền Đồng Xâm được tổ chức vào cuối tháng 3 âm lịch với nghi lễ rước, tế linh đình, các trò chơi dân gian phong phú. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ đến công ơn của ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu.

Đây cũng là dịp để du khách có thể chọn mua những kiệt tác tinh xảo được các nghệ nhân giỏi nhất của làng nghề làm ra từ vàng, bạc… Nhờ tài năng và sự sáng tạo tuyệt vời mà làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã được Trung ương Hội Làng nghề Việt Nam công nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc.